Kim Khẩu Quyết

Người học dịch dám cả quyết về một điều gì mà người ta tưởng chừng không thể biết được.

Quá khứ thì xa xăm, hiện tại thì rối mù, tương lai thì mờ mịt, muốn biết là chuyện khó chớ không phải chơi đâu.

Mặc dầu đã làu thông phép nói Dịch, có lúc ta cũng phải do dự vì đâu phải lúc nào ta cũng sáng trí biết rành mọi Âm Dương trời biển tình ý nhất là khi không thấy tình lý cơ động, có cố gắng giỏi lắm cũng chỉ biết được đại ý câu chuyện chứ không thể cả quyết được. Nếu Ta có ứng dụng Dịch thì đó cũng chỉ là cơ động nhân tạo, không chính lý bằng cơ động tự nhiên.

Trường hợp nào đó, ta dám quả quyết là vì cơ động tình lý quá rõ, biến thông chính lý. Đó là cái biết quyết định chứ có đoán hay bói gì đâu. Lẽ dĩ nhiên phải biết rõ thì mới dám nói mạnh (kim khẩu quyết). Luyện tập công phu nhiều ngày, tự nhiên sẽ giỏi về phép biến thông ắt phải biết đúng thôi.

Ví dụ: Nhu – Tỉnh

Vào giờ Nhu Tỉnh, mọi người đang trông chờ người nhà về, ta nói phải đến quá 21h rồi mới quyết định, quả nhiên đến 21h05p thì người đó mới về, vì lúc đó ta biến ý nó bị chờ đợi (Nhu) ở miền sâu (Tỉnh) tức bị kẹt phải chờ đợi xe (Nhu) ở Bắc Mỹ Thuận (Tỉnh).

Nói về lý số thì cái số lý của Nhu đang động. Phải chờ đợi (Nhu) cho “Cực của Cực Nhu động”, tức chờ cho hết giờ Nhu nghĩa là phải chờ cho qua 21h đêm nay thì cái sự tĩnh mịch vắng người đó (Tỉnh) mới động. Khi nào Tĩnh Động thì người đó mới về. Hết Nhu thì để Tỉnh đó vậy.

Ví dụ: Minh Sảng – Phục

Lần sau, cũng người đó đi xa nhà đã quá ngày hẹn về. Ta thắc mắc vào giờ Minh Sảng – Phục. Kỳ trước ta dám nói qua 21h, kỳ này thì không dám nói như vậy.

Ta phán quyết rằng: Nếu nói gần thì có cái vấn đề tắt đèn (Minh Sảng) rồi lại đốt đèn (Phục) thì nó về. Thôi ta cứ đi ngủ rồi sẽ biết sau. Tương lai là chuyện khó biết chớ phải chuyện chơi đâu.

Ta nhân đó ứng dụng dịch: Phải ngủ đi (tắt đèn = Minh Sảng), nằm một lát lại thức dậy thắp đèn lên (Phục) chỉ để thôi thúc người đó về mà thôi.

Trong khi còn đang trong vòng lý luận thì hết giờ Tuất sang giờ Hợi tức Phục – Thuần Chấn, theo kinh nghiệm ta nói luôn vậy Liên về với ai kìa?

Kết quả, đêm đó ta ngủ tới sáng không ai tắt đèn, đến sáng mới tắt. Lúc trưa ta đang ngủ thì Sơn em của Liên về nói Liên cũng sắp về. Đến tối vừa đốt đèn trở lại thì Liên về. Rõ ràng ta phải ngủ qua đêm đó đến ngày kế, ta lại ngủ nữa (Minh Sảng – Phục) thì thấy bóng dáng người về (Sơn). Đèn tắt (Minh Sảng) được thắp lại (Phục) thì Liên về.

Mất trộm đồ (Bí – Di)

Vào giờ Bí – Di có người vừa mất đồ đến hỏi ta. Ta liền dùng phép biến thông thiên địa tất yếu trong phép nói dịch, rồi hỏi:
Con mất đồ trang sức (Bí) phải không?
Dạ, con vừa mất 4 chỉ vàng.

Ta hỏi: Nhà con đang ở (Di), có cái tủ kiếng phải không? (tủ là Di, kiếng là Bí). Đối diện với cái tủ kiếng có cái giường (Di) kê gần nó không?
Dạ có.

Ta hỏi: Vàng (Bí) con cất giấu (Di) trong cái chai hả? (Bí-Di)
Dạ đúng.

Ta nói: Như vậy số vàng trong chai, nó nằm từ tủ kiếng (Bí) chạy ra ngoài gần cái hướng ở giường nằm (Di) rồi, vì vàng ấy động tức có mất cắp.

Thưa Sư Tổ, có phải con Lan nó lấy không?
Ta đáp: Đứa nào hay trang điểm son phấn thì đứa đó lấy, như vậy ta quả quyết không phải con Lan mà là một nữ nhân khác (vì con Lan không chuyên dồi phấn). Con nên làm thủ tục cần thiết như báo với công an vì phải “tận lực mới tri thiên mạng”.

Kết quả người nữ chủ nhà hay trang điểm phải hoàn trả lại số vàng bằng cách giấu ở chỗ giường ngủ và không cho đương sự ở đậu nữa.

Ví dụ: Minh Sảng – Khiêm

Ta được mời đến thăm Trường Thái Hoà. Trên đường đi ta nói với ông Hiệu Trưởng:
– Xưa nay anh chưa thấy có cái gì là huyền bí phải không? Vậy anh nghe đây: Ở đằng sau trường học của anh có cái bóng đèn không còn cháy sáng nữa!

Ông Hìệu trưởng nói:
– Đâu có vậy , tôi vừa cho thợ điện sửa chữa lại toàn bộ, thử sáng cả.
Ta nói:
– Hiện giờ tôi còn chưa biết Trường của anh ở đâu, đây là lần đâu tiên tôi theo anh đến. Dịch Lý Việt Nam cho tôi biết như vậy, anh có sửa hay không cũng mặc.
Đến nơi, quả nhiên ông ta vặn đèn kiểm tra thì có một bóng đèn đằng sau trên lối ra về của học sinh không chiụ sáng.

Ông ấy nói:
– Tại sao anh bìết mà lại còn quá quả quyết như vậy chứ?
Ta đáp:
– Thì Dịch Tượng giờ Tuất ngày hôm nay là Minh Sảng – Khiêm, tôi biến ý nói trong Phạm Vi trường học ở Đô thành thì chỉ có nghiã là Ánh Sáng bị thương (Minh Sảng) còn nằm ở phiá sau là Khiêm.

Đây là phép Phác Họa tức không hỏì mà nói của Dịch Lý Việt Nam:
• Chọn cái Động nhất, Gần nhất làm Phạm vi Cơ động Tình lý. Phạm vi Tình lý thì khác nhau rất nhiều… bóng bị đứt, bóng bị mất trộm, bóng bị bể… hoặc có người bệnh trong nhà…
• Tất cả đều nằm trong Bí pháp Phác Họa – Phát Ý: Động Nhất, Gần Nhất.
• Không bao giờ được nói Dịch theo ý riêng của mình, vì Không Vô tư thì không thể đúng được.

Ta tin các Cao Đồ thừa Đức tánh cẩn trọng trong Phép Phác Họa – Phát Ý theo Ý tượng Dịch.

Thông dịch tiếng nói của thượng cầm hạ thú xuyên qua hệ thống Vũ Trụ Ngữ.

Một bữa nọ, cụ Từ Thanh, ông giáo Tòng và ông giáo Phát cùng với tôi, bốn người đưa nhau đi Vũng Tàu (Cap Saint-Jacque) để hứng gió, xem phong cảnh và trò chuyện dịch lý.

Chúng tôi đến Vũng Tàu ở tạm nhà người quen ở Bến Đình. Tôi mượn một cái ghế bố, đem ra ngoài vườn, nằm dưới gốc cây khế. Có vài con chim hút mật và líu lo hót, chuyền cành này sang cành khác. Tôi vẫn thản nhiên nhìn nó. Bỗng ông giáo Tòng bước ra, đến chỗ tôi nằm.

Trong chốc lát, ông mở miệng nói:
Đâu anh thử nghe coi, con chim hút mật ấy, nó đang nói cái gì đó?
Tôi cười, ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời:
Cụ Từ Thanh của mình bị động rồi. Con chim này nó nói cụ Từ Thanh sợ mất đồ, nên có ý không muốn ở đây nữa. Chỉ vì lịch sự nên chưa thể nói ra cái ý của mình đó thôi. Cụ muốn qua Bà Rịa. Dù có qua Bà Rịa thì cụ vẫn bị hao tổn. Để rồi cụ Từ Thanh sẽ động cho anh xem.

Tôi vừa dứt lời thì cụ Từ Thanh bước ra kêu tôi và nói rất khéo:
Đàng trước nhà này có rất nhiều người qua lại và dòm ngó dữ quá. Chúng ta có lẽ ở đây không yên đâu. Thôi thì mình nên đi qua Bà Rịa đi.

Thế là hai người, ông Tòng và ông Phát trở về Sàigòn. Chỉ còn lại mình tôi với cụ Từ Thanh ghé lại Bà Rịa. Tại Bà Rịa, ngủ đêm ở đó, sáng sớm thức dậy, cụ Từ Thanh phát giác ra mình đã bị mất cái nón đội đầu. Và cụ tự ý xuất ra 70 đồng, để thuê người con gái chủ nhà đi chuộc lại cái nón. Vì cái nón ấy do em vợ của chủ nhà đánh cắp mang về Gia Rai hồi 4 giờ khuya đêm đó.

Con chim hót mật líu lo nhằm lúc giờ Dậu, ta được dịch tượng Địa Trạch Lâm biến ra Sơn Trạch Tổn. Tức là chánh tượng Lâm với hào 06 động. Lâm là Lớn Lên, là Soi Sáng, là tới những hai hào dương rồi, hào Dương Lớn Dần Lên … Ở phạm vi con người thì Lâm là Kẻ Cả, Đại Ca, Bậc Sư, Bậc Thầy, Bậc Đàn Anh. Ở đây, bậc đàn anh, bậc kẻ cả trong chúng tôi chính là cụ Từ Thanh. Lâm động là cụ ấy bị động. Hào 06 động là Lâm động mạnh. Biến ra Sơn Trạch Tổn là hao tổn, tổn thất, là bị mất mát, là chịu hao, xuất 70 đồng để nhờ người đi lấy lại cái nón. Lâm Tổn là cụ Từ Thanh bị hao mất, là kẻ cả bị hao tổn.

Đơn tượng ngoại Khôn động, là vật thể mà cụ mang theo động, biến ra Cấn, là vật có hình phủ hạ, hướng hạ, tựa như cái chén úp xuống, vật ấy được mang ở phần trên cao của thân thể (hào 06). Kiểm lại sự việc thì ra là cái nón bị mất cắp (Tổn).

Hệ thống Vũ Trụ Ngữ gồm những nét tự: vạch đứt và vạch liền. Nó diễn tả toàn bộ vũ trụ vô hữu vật qua hệ thống 64 mà dịch học sĩ nào cũng đều được học biết cả rồi. Căn gốc của nó chính là Trí Tri Cơ Cấu tượng hình hài thanh.

Còn về phần con chim hút mật, theo văn tự vũ trụ ngữ, dịch sĩ cũng biết ngay, đó chính là con Chim Đầu Đàn (Lâm). Nó nói với con chim kia rằng:
Ở đây chắc không yên thân đâu, có người đang dòm ngó ta kia kìa. Chúng mình nên đi nơi khác thì hay hơn, kẻo bị lâm nạn (Tổn).

Tiếng nói của thượng cầm hạ thú, người ta có nghe hiểu được không? Thường thì khi nghe rất rõ mà chẳng hiểu gì hết. Nhưng với dịch học sĩ có khi nghe và hiểu được như trên, mà cũng có khi không nghe hiểu. Tại sao? Tại vì chưa thật sự thông thạo về khoa học vũ trụ liên hành tinh. Cho nên các cao đồ của ta phải hết sức cố gắng nhiều hơn nữa.

Vũ trụ vô hữu linh thiêng là Trí Tri Ý Lực.

Một hôm nọ, tôi cùng với bạn đi viếng núi Châu Thới. Khi đi gần tới núi thì trời mưa nặng hột. Tôi và bạn đồng hành phải ghé lại đụt mưa ở xóm nhà của những người di cư, cất dọc theo bên lộ. Vừa đúng lúc đói bụng, nên tôi có hỏi nhờ người xem coi trong lối xóm có bán gì ăn đỡ, giá cả bao nhiêu tôi xin trả tiền. Rất may, người chủ nhà kiếm được bánh chưng, bánh ú gì đó với miếng thịt kho. Khi chúng tôi ăn xong bỗng có một thanh niên có vẻ thạo đời, gợi chuyện nói rằng:
Mưa như thế này, ngoài bắc chúng con gọi là mưa phùn. Mưa dai, có khi lâu hằng mấy ngày vẫn chưa tạnh.

Tôi trải qua một phút suy tư rồi ứng khẩu nói:
Cậu còn nhỏ quá chưa biết gì đâu. Tôi xin nói với cậu rằng, lúc 15 giờ thì mặt trời sẽ hiện ra trên nền trời kia và hết mưa. Bây giờ là 14 giờ 45, vậy chỉ còn có 15 phút nữa thôi.
Nói xong tôi cám ơn chủ nhà, trả tiền bánh, xin kiếu từ và cùng bạn thẳng tiến về núi Châu Thới. Lúc sau đó tôi thấy mặt trời đã hiện ra nguyên hình và hết mưa. Tôi liền xem đồng hồ tay, thấy còn 4 phút nữa mới 15 giờ. Tôi gọi bạn cho xem đồng hồ và chỉ tay lên trời và nói :
Có quả y như tôi nói không ?
Ờ ! Đúng rồi.

Người đời hay bị đầu độc đủ thứ, nào là nhà bác học bắn tan mưa hay quá. Nào là Khổng Minh cầu gió đông. Nào là pháp sư ngoắt mặt trời, bùa phép Lỗ Ban, bùa phép của Phật, của Chúa, phép Tiên thánh… tuyên truyền loạn xạ như thế.

Ở đây tôi chỉ có dịch tượng Thuần Ly, biến ra Thiên Hỏa Đồng Nhân, tức hào 05 động và là Đằng Xà động. Thuần Ly là hình ảnh khối lửa của mặt trời. Thuần Ly là ánh sáng tỏa ra, là mặt trời phải hiện ra, mà phải hiện ra nhanh (Đằng Xà), chuyện cực nhanh. Mà Ly có số lý thứ tự là số 03, nó phải hiện ở số lý 03. Tức giờ thứ 03 là 15 giờ (Thuần Ly hào 05 là chánh Thuần Ly, số lý 03 động). Tôi dám cả quyết một cách tự tin như vậy đó. Bởi vì tôi biết: Vũ trụ Vô hữu linh thiêng tức Biến Hóa Luật cũng chính là Trí Tri Ý Lực, đó là trời.

Hiện tượng Thiên văn – Công Thức Bất thường.

Con người bẩm thụ Tinh Khí Thần từ Tú khí của Vũ trụ Vô hữu là chuyện hiển nhiên không còn là Mê tín nữa, vì ngày nay con người ngày càng hiểu rõ những lực tương tác giữa những các Vô hữu thể trong Vũ trụ.

Xem xét Thiên văn thì bằng như xét Tĩnh Động bên ngoài bản thân Tĩnh Động của chính mình; không những thế mà còn là xem xét một sự liên hệ mật thiết giữa mình với những người chung quanh nói riêng và Nhân loại nói chung. Vậy xem Thiên văn tức là xem Động tĩnh Công Thức Bất thường của Dịch Lý Việt Nam cũng là xem chuyện Trời đất báo tin cho ta biết Thiên Hạ Sự.

Vào giờ Khuể – Phệ Hạp năm Bính Dần, nhân đọc báo Tuổi Trẻ loan tin Trạm Giotto đã chụp được ảnh Sao Chổi Halley. Mỗi lần sao Chổi xuất hiện, người đời thường lo ngại bàn tán e sắp có thiên tai dịch họa, chiến tranh… xảy ra cho loài người. Hiện nay giới Khoa học đã bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc lãnh vực này, lãnh vực mà trước kia họ cho rằng chỉ có Thần giáo độc quyền tin tưởng! Vì thế nhiều ngành khoa học đã xuất hiện và chứng minh sự ảnh hưởng của Vũ trụ lên Trái Đất dĩ nhiên lan truyền đến Con người.

Tuy nhiên để chứng minh về những tác động hỗ tương này vẫn còn sự lúng túng và mù mờ. Khoa Dịch Lý, Khoa Siêu Khoa học soi sáng với Dịch Tượng Khuể – Phệ Hạp – Chu Tước động thì bất cứ Nhà Dịch học nào cũng Hội Ý được:
– Khuể: Súng đạn, Quai xảo, Chế biến…
– Phệ Hạp: Nhai nuốt, Tin tức, Văn thư, Ảnh chụp…
Vậy thì thiên tai, dịch họa, chiến tranh là chắc hẳn rồi!

Ta nhớ lại cách đây 04 tháng cũng vào giờ Khuể – Phệ Hạp có một chiếc Xà lan cạp đất đã ngang nhiên cạp đất phần đất nhà ta đang ở mà chẳng thèm hỏi han gì đến ta cả. Có người hỏi ta có khi nào mở Dịch để coi vấn đề của Đất nước không?

Ta đáp:
– Loài người đã vô cùng ngu dốt đóng đinh Jesus, sát hại Galilée, ta đâu dám nghĩ gì về chuyện Dân tộc Đất nước. Nhưng bởi mở Dịch ra xem sẽ khiến tâm trí lòng dạ phải lo lắng ít nhiều việc này nọ, lo cho Đất nước thì không dễ gì yên tấm thân, trong khi lòng ta còn đang muốn cùng các Cao Đồ của ta được an nhàn trong những năm cuối đời còn lại. Ta còn phải lo Tạo cho xong những Chìa khoá khui tung bí mật của Vũ Trụ Vô Hữu… để trao cho các Cao Đồ.

– Ta dùng Phép Tương Quan Tương Hợp giữa Dịch Tượng Phệ Hạp này và Phệ Hạp xán cạp đất với tình thế Đất nước luận cho các Cao Đồ nghe mà thôi. Với những chứng tích năm 1985, 1986, 1987… ta tin rằng các Cao Đồ và các Học viên Dịch Lý thừa sức dùng Vũ Trụ Ngữ phác họa thời cuộc của Nhân thế Liên Hành Tinh

Lột trần Chơn Giả

Nhờ Dịch Lý Báo tin ta dùng Việt Ngữ thông dịch tiếng nói của Vũ Trụ, ta phối trí những Động Tĩnh nhỏ nhất, gần nhất để biết những sự vật việc lớn lao hơn, xa xôi hơn, nhất là để Lột Trần Chơn Giả. Biết rõ việc làm ăn động tĩnh của mình mà hóa ra biết thật rõ Chơn Giả Động Tĩnh ở Thiên Hạ Sự.

Như vào giờ Lữ – Tấn ta được tin có nhiều người nước ngoài đến nước ta dự định hợp tác Kinh tế. Người đời nói Khách đến mà Dịch cũng nói Khách đến (Lữ – Tấn) thì lẽ dĩ nhiên tin tức ấy là chính xác và có thật. Đó là phép tắc Lột Trần Chơn Giả ở cõi Đời Đạo – Đạo Đời này.
Ta lại thấy Đằng Xà động mà Đằng Xà là linh điện, là ma lanh, tinh khôn, quỷ quái lắm. Ta Hội Ý chuyện tuy vậy nhưng chẳng có gì đáng lo cho Đất nước cả vì dù sao đám quỷ quyệt kia cũng chỉ là Khách (Lữ), ngoại cuộc so với nền Kinh tế Quốc dân. Họ còn là thứ yếu là Lữ là ở đậu là ghé tạm, vì Tấn là đến để rồi đi.

Ta cũng liền hội ý với chuyện Xà lan cạp đất nhà ta, đất bị cạp nhưng ít thôi. Vả lại nhà mà có nhiều Khách một lượt thì nhà ấy thoát khỏi cảnh Nô lệ… tỷ như Miến Điện xưa kia, nên ta cho tượng này là tốt, tốt trong phạm vi Bị Xâm lăng mà không được; nghĩa là Đất nước chẳng đến nỗi nào.

Nhờ Dịch chỉ đường!

Sự hiểu biết Dịch lý rất có lợi ích cho cuộc sống.
Vào giờ Khuể – Phệ Hạp, ta đi tìm nhà trò Hoa nghe nói ở đường Kỳ Đồng Sàigòn, nhưng đến nơi ta không biết hẻm nào, nhà nào. Ta liền biến thông: Muốn tìm gặp nhà ngay chóc (Ký Tế ở hỗ tượng) thì phải lo mà hỏi han, hỏi thăm (Phệ Hạp) và nên hỏi thăm những người nắm níu (Phệ Hạp) cùng ngành nghề,… để được hỗ trợ (Khuể) trong việc tìm ngay đúng (Ký Tế) mà mình muốn tìm.

Ta nhớ loáng thoáng trò Hoa trước là Cô giáo, sau làm lung tung kiếm ăn như bán báo, bán thuốc lá còn hiện làm gì ta không rõ. Ta liền bảo đứa cháu đi theo: con cứ nhắm mấy người nữ bán thuốc lá mà hỏi như vầy: Cô hay Chị có biết nhà cô Hoa bán thuốc lá ở xóm này không?

Sau câu hỏi ấy quả nhiên có người biết và chỉ dẫn đến tận nhà. Nhờ dịch lý báo tin chỉ đường đi, không thì ta đã phải trở về quê và không gặp được trò nào cả

Số lý có thể biết được không?

– Không biết được mà cũng có khi biết được. Số lý biết được chính xác chừng nào là do khả năng Lý số quá am tường chừng ấy. Chủ yếu nhờ vào Phạm Vi Tình Lý.

– Không thể biết được, vì Lý số là quy ước của con người trong Phạm Vi Tình Ý người. Lý dịch hay Lý số chỉ hình hiển ra bằng Âm Dương Số lý mà thôi. Người học dịch thỉnh thoảng cũng có khi biết được Số lý là do có được Dịch lý báo tin chính xác đặc biệt cho riêng một Phạm vi Tình lý lúc đó.

Ví dụ: Đỉnh – Cấu

Giờ Đỉnh – Cấu ta biết chắc chắn người hứa sẽ gặp gỡ đúng y lời (vì Đỉnh là Hứa Hẹn, là Định Vị, là Lời Hứa từ khá chắc chắn đến vững chắc. Đỉnh: Luyện được thành đan chi tượng là ý ấy). Ly động, tức là chuyện hứa hẹn ấy sáng tỏ như mặt trời… Hào 05 động là chánh Đỉnh tức sự hứa hẹn rất chắc chắn. Hào Âm động hóa thành Dương là Tiến thần tức sự hứa hẹn ngày càng lớn, càng chắc chắn đến.

Cấu là Gặp Gỡ. Sự hứa hẹn chắc chắn cho đến kết quả là gặp gỡ nhau. còn số lý 12 ta tính ra được thì cũng chỉ nhờ vào Phạm Vi Tình Lý mà thôi. Lúc ấy, Cơ Động Tình Lý như thế nào thì ta có số lý ấy.

Ví dụ: Tỷ – Tụy

Cơ động Tình lý lúc đó có cuốn lịch thì ta lấy lịch số trả lời. Như vào năm Bính Dần, tháng 2, ngày mồng 1, giờ Dậu là ngày Quý Sửu thuộc hào Câu Trần động.

Dịch tượng Tỷ – Tụy. Biến ý: Cởi Bỏ – Trưng Tập. Ta nói đúng là vào ngày mồng 1 tháng 3 có tin tức, vì ở Phạm vi Tình lý cuốn lịch thì Tỷ là Gỡ Bỏ, là Sàng Sẩy hết số Trưng Tập của tháng đó (tức hết ngày 29 hoặc 30) để chỉ còn đơn số Đầu Căn Gốc của tháng Tỷ, vậy là số 1 tháng tới. Thư chậm là vì tình lý của Câu Trần là Chậm chạp, Ù lì, Quán tính, Trì trệ,….

Ví dụ: Bĩ – Tụy

Nhằm vào ngày Chủ nhật có hai người bạn già lớn tuổi hơn ra theo Ta để học hỏi Dịch lý. Một là ông giáo Tòng, hai là ông giáo Phát.

Cả ba chúng Tôi cùng nhau đi đến chùa Giác Lâm ở đây chúng tôi mượn được một chiếc chiếu đem ra trải ngồi vườn. Cả ba người ngồi đàm đạo học thuật Tiên thánh đến quá buổi trưa, bỗng có 1 con chim sáo bay đến đậu trên cột cờ ở Chùa, Nó cứ hót lên ríu rít, khiến cho ông giáo Tòng thắc mắc hỏi tôi:
– Đâu anh thử nghe coi con chim nó nói cái gì mà líu lo vậy?
– Ta được tượng Thiên Địa Bĩ biến ra Trạch Địa Tụy.

Ta biến ý trả lời rằng nó thông báo cho ta biết sắp có sự Gián Đoạn (Bĩ) về việc Tụ Tập (Tụy), vậy chúng mình tính sao đây? Thôi đúng quá rồi nó nhắc mình chắc là nó nhắc đã tới giờ mình phải kiếm chút gì bỏ bụng cho đỡ đói đây. Anh giáo Tòng sốt sáng nói, đâu để tôi đi hỏi kiếm mua thức ăn xem sao. Lạ thật, ông giáo Tòng đi suốt cả nửa giờ mà chưa thấy trở lại, đám ba người Tụ Tập (Tụy) của chúng tôi tự dưng bị Gián Cách ra đi một người (Bĩ) vậy là có hiện tượng Dịch lý hóa Bĩ – Tụy xảy ra cho chúng tôi rồi đó.

Lát sau, anh giáo Tòng quay về nói ở quanh cái Chùa này không có bán thức ăn gì để ăn hết, người ở Chùa mách cho tôi đi ra ngoài xóm. Tôi đã đi khá xa mà cũng chẳng thấy ai bán gì cả, muốn đi kiếm gì ăn cho đỡ đói thì chúng ta đi đến xóm đó tìm đồ lót dạ.
Thế là cả ba anh em chúng tôi (Tụy) lại cùng dắt nhau rời khỏi Chùa (Bĩ) để tới xóm đó mà ăn rồi cùng nhau đi về nhà.

Con chim báo nói rồi.
– Lần đầu trong sự Tụ Tập (Tụy) của ba anh em có sự Gián Cách (Bĩ) tức là ông giáo Tòng ra đi tìm mua thức ăn.
– Lần sau có sự Gián Cách (Bĩ) sự ra đi khỏi Chùa của ba Chúng Tôi (Tụy).
– Thế là Tụ tập, Tập họp trong bọn cũng có Gián Đoạn, mà sự tụ tập tại Chùa cũng có sự Gián Đoạn luôn. Con chim sáo nói cho Dịch học sĩ cho những người am tường Vũ trụ ngữ biết như vậy.
– Chúng ta có tự phịa thì về sự Thông Dịch Đại Ý Tiếng Nói của Thượng cầm Hạ thú không? rõ ràng là không? Vì sao thông dịch tiếng nói của con sáo xong, thì hiện tượng dịch lý hóa cái lý, cái nghĩa lý: Gián Cách – Trưng Tập đã được và bị hiện hình, hiển hiện sờ sờ ra đó. Phịa thì làm sao xảy ra như vậy được. Dịch sai trật (thông dịch) thì đâu có đúng hiện tượng Dịch lý hóa, đã thể hiện ra như vậy không thông dịch sai trật mà cũng không có phịa chuyện gì cả. Bởi vì chúng ta đã thực sư thông thạo về Vũ trụ ngữ. Một Siêu khoa Ngôn ngữ học do ta phát minh ra vậy đó và người đời thường gọi là Văn minh Dịch lý Thời nhân Việt Nam.

Ví dụ: Phệ Hạp – Thuần Chấn

Cô Liên vừa khóc vừa quỳ gối, tay vịn bộ ván gỗ, miệng hỏi Thầy Tổ:
Chiếc máy bay Pháp – Việt Nam bị tai nạn. Người thân có sao không?

Vào giờ Phệ Hạp – Thuần Chấn – động hào Đằng Xà. Ta đáp:
Mới hỏi vé (Phệ Hạp) để đi (Thuần Chấn) nên không có đi chuyến đó. Tức còn sống vì không vướng vào chuyến bay đó.

Hỏi mua vé (Phệ Hạp) đã đi (Thuần Chấn)?
Hỏi mua vé (Phệ Hạp) chưa đi (Thuần Chấn)?
Hỗ tượng Kiển, là Chưa đi.

Lý số với Số lý: Áp dụng vào đua ngựa.

Một bữa nọ, ông Đốc học trường Thái Hòa có ý học hỏi, mà cũng có ý thách thức ngầm, muốn thử tài năng lý đoán về Dịch lý của tôi. Dịch sĩ nào cũng bị và được như thế! Ngày xưa, thánh trí nhìn mặt biết được hiền tài để trao sinh linh dân chúng vào tay họ. Ngày nay, nào là tiến cử, dân cử, văn bằng… mà cũng không ai nhìn ra được tài năng thật của ai cả. Vì giả dối nhiều, chân thật ít. Vì các phép tắc chọn tài năng không có khoa học của nó. Thôi thì chịu ngấm ngầm thách đố.

Ông Đốc học ngỏ ý rủ tôi nên đi ra ngoài trường đua ngựa giải trí. Tự nhiên là ra đó để chơi cá ngựa. Tức là tôi phải tự động lý đoán số cá ngựa rồi. Đó là sự thử tài khá tế nhị và rất ác liệt của ông Đốc nhà ta vậy. Tôi cũng đồng ý, rồi cùng đi tới trường đua ngựa.

Chúng tôi đến chỗ xem giò cẳng ngựa đang đi biểu diễn lòng vòng trước khi ra sân đua. Tôi được dịch tượng Thuần Kiền biến ra Thiên Phong Cấu.

Trời xui khiến cho tôi nhìn thấy trong bầy ngựa có hai con đi gần sát nhau (Thuần là một Cặp, là Hai). Trong khi những con khác thì đi cách nhau chừng 3 thước. Cơ động Tình lý cho biết phải theo dõi kỹ lưỡng cặp ngựa này cái đã.

Ông Đốc học đã mua vé cá ngựa xong rồi. Tôi bèn móc ra 100 đồng nhờ ông mua dùm số 8×9 và 9×8, là hai con số của 2 con ngựa đi gần nhau đó. Khổ nỗi ông Đốc học lại chưa tin tài tôi lắm, thấy tôi còn nghèo, sợ tôi thua hết tiền, nên chỉ mua có 4 đồng. Tức mỗi vé chỉ 2 đồng với 2 số tréo ghi trên.

Ngựa về đúng số 9×8, thành thử ra tôi chỉ trúng được có 2300 đồng.

Số đề, số số, số cá ngựa, số vật thể, số lý thời gian… có thể biết được không?

Đáp: Không thể biết được. Quy tắc của hiểu biết là: Phải triệt để theo dõi điều mình đang có muốn biết. Tức phải Am tường Phạm vi Tình lý.

Mình làm sao mà theo dõi hết muôn triệu Phạm vi Tình lý được. Nhưng mà Dịch học sĩ có thể biết được số lý 9×8 hoặc 8×9 là chuyện thường thôi. Bởi từ cái Lý số Cặp ấy (Thuần) rất Cương Kiện, Mạnh Khỏe đây (Thuần Kiền), mà đua ngựa thì rất cần mạnh khỏe rồi. Biến ra Cấu là gây được kết quả Bất Ngờ, tức là cặp ấy gây được bất ngờ ở kết quả cuộc đua, thì lý số đó có số lý đó. Các cao đồ của ta, trò nào mà không biết như vậy.

Việt Nam Dịch Lý Hội.

Dịch Lý Sĩ XUÂN PHONG