X. Quyết Sự Hòa Nghi, Định Điều Do Dự

Sau khi đã từng kiểm soát và thấy biết được muôn vật tuy khác màu sắc, hình bóng mà chúng vẫn quây quầng trong 64 Lý Tính Biến Hóa. Hẳn bạn cũng đã nghĩ đến cách nói lên cho được các Sự lý Sống động một cách đầy đủ, rõ ràng hơn?

Nhưng than ôi! Nếu chúng ta muốn nói thì ắt là ngàn năm nói cũng không rồi Ý nghĩa của một Dịch tượng. Bởi vì sự và việc còn tiến mãi chớ đâu có dừng lại một chỗ. Cho nên chỉ một Dịch tượng thôi, chúng ta nói cũng không rồi, không hết được, huống là 64.

Song nếu xét cho kỹ thì 64 Lý tính Biến hóa cũng chỉ có ÂM DƯƠNG chớ không có gì lạ hơn nữa. Bởi lẽ đó nên chúng tôi có thể cống hiến cho quý vị nghiên cứu một phương cách ngõ hầu có thể đáp ứng được cho Nhu cầu Trí Tri Ý Thức trong thiên hạ, một cách thỏa đáng cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Biết rằng mọi việc từ quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ là vấn đề ÂM DƯƠNG. Vậy ÂM DƯƠNG là gì?

ÂM DƯƠNG là hai danh từ tượng trưng để phân biệt chỗ ĐỒNG NHI DỊ của vạn hữu. ÂM DƯƠNG cũng còn là  2 tiếng nêu lên của Khoa Động Tĩnh Học để cho mọi người có thể lấy đó làm đường lối mà nhận định các vật, các việc mọi nơi đều có tính cách tuy là tương cầu mà như có ngược lại với nhau.Chẳng hạn như ngày thì đối với đêm, nóng đối lạnh, tối đối sáng, trống đối mái, cao đối thấp, nặng đối nhẹ, mau đối chậm, già đối trẻ, nam đối nữ…

Trong một khía cạnh, Vạn vật đều có Yếu lý Đồng nhi dị, tức ÂM DƯƠNG. Nghĩa là một thể hiện dù bất cứ hình thức nào, tất cả đều được Cấu tạo theo một Nguyên lý nhất định là ÂM DƯƠNG luân chuyển phối hợp sinh thành.

Vậy khi muốn QUYẾT ĐƯỢC SỰ HOÀI NGHI, ĐỊNH ĐƯỢC ĐIỀU DO DỰ thì phải đem sự việc hoài nghi, do dự nào đó Biến thành Âm dương lý, Âm dương ý nghĩa.

Ví dụ: Biến ý các sự việc thành ra là ở đi, cao thấp, mau chậm, nhỏ to, sáng tối, xưa nay, mọc lặn, ít nhiều, thân sơ, kiết hung, nên hư, đắc thất, tiêu trưởng, đóng mở, mừng lo, ưa ghét, họa phúc…

Khi đã Biến ý sự việc gì đó thành ÂM DƯƠNG LÝ rồi thì Ý nghĩa của Dịch tượng sẽ nặng về một bên và nhẹ về một bên, nhân đó ta sẽ Tùy nghi mà Động tĩnh, Tiến thoái…