5. Âm Dương với các Thể-Hiện
Sau các phần suy lý và diễn tả về sự tạo lập Vũ Trụ, lượt qua trên 08 Định Lý, Định Luật có 64 hệ thống Âm Dương, với nhiều lần “dừng chân” ở các trạm Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh khoảng Không Hoàn Toàn Không biến thể (cùng Cực tắc biến), rồi lại bắt đầu tiếp tục trở lại một tiến trình khác, y như các giai đoạn trước nhưng với bộ mặc khác lạ mà những đặc tính Đồng Nhi Dị vẫn có trong hữu thể mới một cách rõ ràng hơn.
Hiện nay, chúng ta có thể nhận thức được như sau:
Ví dụ chúng ta thử ghi nhận về nhiệt độ biến chuyển của mặt trời trong một ngày, theo quan niệm và cảm giác hiện đại, để xét trên một khía cạnh về nhiệt độ, sự giống mà hơi khác ra sao?
Chúng ta thấy:
-
Buổi sáng hơi nóng
-
Buổi trưa thật nóng
-
Buổi chiều hơi mát
-
Nửa đêm thật mát
Đó là dựa trên sự bẩm thụ của chúng ta để phân biệt mà nhiệt độ có từng trạng thái khác nhau. Thật vậy, nếu phân tích kỹ bốn loại nhiệt lực trên thì hơi nóng và hơi mát chỉ là sự thụ cảm của ta với vòng thời gian hoặc do biến cảnh, biến cách của Vũ Trụ mà thôi (đại hay tiểu Vũ Trụ cũng đều như vậy).
Thế nên, chúng ta có thể định cho hơi nóng và thật nóng là Đồng mà Dị hoặc hơi mát và thật mát là Đồng mà Dị.
Như vậy, thì trong một khía cạnh, vạn vật đều có Yếu Lý Đồng Nhi Dị tức Âm Dương nghĩa là một thể hiện dù dưới bất cứ hình thức nào, tất cả đều được cấu tạo theo một nguyên lý nhất định là Âm Dương luân chuyển phối hợp mà sinh thành.
Ví dụ: nguyên lý Âm Dương thể hiện trong phạm vi con người. Chúng ta thấy có hai hình thức là đàn ông (Dương) và đàn bà (Âm).
Nếu nghĩ xa hơn nữa thì trong mỗi cơ thể của mỗi loại lại có hai phần:
-
Phần thấy được gọi là thể xác (Dương)
-
Phần rỗng trong thể xác (Âm) ví như các khoảng trống của thể xác, chẳng hạn như các lỗ trống trong xương, trong thịt, trong tóc..…
Hai phần này nếu không hòa hợp, cân xứng, nương tựa, nuôi nhau thì cơ thể không kết thành mà sống động, tiến hóa được. Cho nên ta có thể nghĩ là trong Âm phải có Dương và trong Dương phải có Âm, nghĩa là Âm Dương có tương giao, tương cảm, tương xứng, hòa hợp ở trong thì mới phát triển sinh tồn mãi được.
Nói cách khác, nếu đem hai cục cây hoặc hai viên đạn chai kề sát nhau mà không nhờ một sự phối hợp cân xứng khác gọi là Âm như cây đinh hoặc một chất keo thì cây, đạn vẫn chẳng ở với nhau được.
Nếu suy luận theo triết lý Kinh Dịch thì con người được xem như là một thể Tú khí của vạn ức Tú khí kết thành sống động, là một kết tinh phối hợp của Ngũ Hành.
Khí Ngũ Hành trở nên ấy, nay gọi là Tú khí. Tú khí ấy thành là do bởi 64 trạng thái. 64 trạng thái ấy có là do bởi 08 Dịch Lý (Bát Quái). 08 Định Lý ấy có là do bởi luân chuyển (Tứ Tượng). Luân chuyển ấy có là do bởi không đồng (Lưỡng Nghi). Không đồng ấy có là do ở đồng (Thái Cực). Ý nói gồm đồng đều, đủ cả. Đồng ấy có là bởi trong Cực Vô (Vô Cực). Cực Vô ấy có là do bởi Vô Toàn Vô.
Thế là theo sự truy nguyên như trên ta đã thấy, ta được vì như Tú khí của Ngũ Hành; vậy Tú khí ấy vẫn luân lưu trong 64 khung cảnh. Hoặc có nghĩa là một sự sống động lớn, thời đi đi, lại lại trong một cái nhà rộng lớn vô tận, có 64 trật tự lớn an bài và một Tú khí nhỏ bé vô cùng thì cũng đi đi, lại lại trong một cái nhà nhỏ bé, có 64 trật tự nhỏ vô cùng vậy.
Dịch nói: ở chỗ lớn thì có hạp tịch tiêu trưởng lớn, ở chỗ nhỏ thì có hạp tịch tiêu trưởngnhỏ. Bởi cớ ấy nên người đời có lý do theo dõi và nghiên cứu Dịch Lý, vì Dịch Lý có thể đem lại một ánh sáng trong sự tối tăm tức là khi có một điều gì quá sâu kín mà tai, mắt, trí của con người chưa hiểu biết hoặc nghe thấy được thì Dịch Lý như bó đuốc vô tư tuyệt đối không thiên vị bất cứ vô hay hữu hình.
Dịch nói: Dịch vô vi dã, vô tư dã; vô tư ấy sẽ thỏa mãn đầu óc tò mò của ta một cách hết sức chân thật, giúp ta tiến bước trong mọi phạm vi mà không còn bị lầm lạc.
Nhân Lý Tính vô tư, vô cùng tận của Dịch Lý mà người đời đã lợi dụng nó, để tri lai, tri vãng, tức là để thấu suốt về quá khứ vị lai chắc không có gì là lạ.
Theo đường lịch sử mà nói thì người đời đã lợi dụng Dịch Lý một cách thiết thực, qua với nhiều cách có lúc chói lòa còn ghi trên sử sách chẳng hạn như Phục Hi, Thần Nông đã dựa vào hình bóng Dịch Lý mà chế ra cày, bừa, ghe, thuyền; Nghiêu, Thuấn, Huỳnh Đế chế xiêm y là theo nghĩa lý của Dịch tượng Cách; Văn Vương thì dùng Dịch Lý vào trận mạc, Khổng Tử lại theo Dịch Lý để lập một học thuyết với kiến thức của mình. Điều này về sau Khổng Tử tự nhận rằng: “gia ngã sổ niên, tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỉ” nghĩa là “cho ta sống thêm ít năm nữa, để trót công nghiên cứu Kinh Dịch, ắt không phạm điều lỗi lớn..…”
Thế nên, ý thức về đời sống con người, xuyên trong Lý Tính Âm Dương, Ngũ Hành tức là ví cái Ta như một hữu cơ sống động. Ta là ứng dụng của Tạo Hóa, đứng trong luật Tạo Hóa như 1 diễn viên góp phần diễn xuất trong sân khấu Tạo Hóa. Ta là một Tú khícủa vạn ức Tú khí, trải qua và kết thành. Có sau đối với ngàn xưa, mà là có trước đối với ngàn sau. Thiết tưởng không có gì bằng lấy cái Ta làm căn bản học và luôn luôn học trong ta ngỏ hầu ta có nhiều dịp có thể dám thành thật với ta: một là kiểm soát được sự nhận xét của tiền nhân, hai là chúng ta sẽ tự kiểm soát mọi sống động của ta một cách đầy đủ, dễ dàng, mà tránh được sự phỉnh gạt của các học thuyết sai lầm. Ta tự do theo kiến thức, trình độ của riêng ta mà tiệm tiến.
Thật là chí thiện nếu dám tự xét mình và thành thật học với chính mình, để rồi ta sẽ có một đức tin mãnh liệt với chính ta, cũng như ta sẽ không còn mượn lý tưởng, tinh thần của kẻ khác làm thần tượng của mình nữa.
Trong kiếp sống, ta cùng với muôn loài vạn vật, tất cả có cái sống động của ta, đi đi, lại lại cùng với muôn triệu ức sống động khác quanh ta, có thể qui tụ vào trong lặng lẽ và thầm kín nhất của ta hai nỗi niềm nghĩa là tâm hồn ta thơ thới hay u hoài (vui, buồn).
Thuận ý ta thì vui (Dương).
Nghịch ý ta thì buồn (Âm).
Sự việc thuận nghịch với lòng mong muốn của ta mà sinh ra vui buồn. Do đó, tiền nhân đã xác định và neo ý tưởng bằng hai danh từ:
-
Được sinh
-
Bị khắc
Nếu lấy cái Ta mà luận theo nghĩa Tĩnh như là một mà ba, thời ta có thể tạm phác họa ra hình ảnh như sau:
Theo hình vẽ thì luôn luôn có hai vòng tròn. Đó là một ấn tượng ở trong mỗi cái đã thành hình bóng hoặc thành một hạt nhỏ bé vô cùng cũng đều có Âm Dương. Có nghĩa như là Ta khắc được cái khác, mà cái khác cũng khắc được Ta, cũng như Ta đi sinh được cho cái khác mà cũng có cái khác sinh được cho Ta.
-
Giúp ta theo nghĩa Tĩnh là Ta được sinh.
-
Hại Ta theo nghĩa Tĩnh là Ta bị khắc.
Còn theo nghĩa Động là Ta đi sinh hay là Ta đi khắc kẻ khác.
Ta theo nghĩa Tĩnh đã phác họa, nối tiếp hình vẽ dưới đây là Ta theo nghĩa Động để thấy rõ cái Ta đứng ở trong cơ vi quân bình tối thiểu (Ngũ Hành) có thể biểu thị như sau :
Theo đồ hình trên, ta đã rõ lý một là ba và một mà năm, qua nhân cơ Ngũ Hành miêu tả. Biết được trong thầm kín và lặng lẽ nhất của cái Ta cũng như biết được sự lặng lẽ và sâu kín nhất bao quanh, vây kín cái Ta tức là biết được cái lý không Ta là cái lý manh nha sinh khắc Ta, cũng là cái lý Đồng hay Khác Ta, là cớ manh nha vui buồn, bao phủ quanh Ta và trong Ta.
Vui buồn là cái gì ẩn trong cái Ta thể xác, chợt ẩn chợt hiện mà Ta không rờ mó được nó, không khóa được nó lại một cách dễ dàng, nhưng nhận được là có nó. Vì vậy tiền nhân đã đặt tên cho cái gì huyền diệu, khó thấy như vui, buồn một danh từ để cho mọi người đều dễ hiểu dễ nhớ là Thần.
Thần là cái gì mà thường nhân coi là trừu tượng, khó thấu đáo. Thần là cái gì hiện ở khắp mọi nơi, mọi trường hợp mà không hình thể. Thần không làm gì cả thế mà Thầnlàm hết cả mọi việc. Thần không ở phương nào cả thế mà Thần ở khắp mọi nơi.
Dịch luận: Thần vô phương nhi Dịch vô thể. Ấy vậy, Thần chi phối ta, chi phối tất cả, là linh động mọi trường hợp, mọi nơi. Như vậy là Thần ở trong Ta mà cái Ta sống động cũng là Thần nốt. Vậy Ta là sự hiển vinh của Tạo Hóa, là một vi ti trong cơ nghiệp của Tạo Hóa hiện hành.
Bây giờ khởi đầu suy luận cái Ta là Thần, theo triết lý Âm Dương, Ngũ Hành như sau:
Khi chưa có gì thì miễn luận bàn. Nhưng khi đã có thì có Thượng, Hạ, Tả, Hữu nên:
Ta | gọi là Dụng Thần |
Giúp Ta | gọi là Nguyên Thần |
Hại Ta | gọi là Kỵ Thần |
Ta giúp | gọi là Tiết Thần |
Ta hại | gọi là Cừu Thần |
Nên nhớ rằng ẩn trong cái Ta siêu việt, sâu kín là cái lý manh nha sinh khắc, vui buồn, nay được gọi là Thần.
Phân tích và đặt tên cho một cái Ta, bất cứ là đồng hay khác Ta, nhỏ bé hay to lớn, chung cho mọi cái Ta ở khắp mọi nơi, một danh từ là Dụng Thần. Nghĩa Dụng là dùng tức là sẽ trở nên hết sức linh động, hữu dụng và biến đổi, hay biến hóa vô lường.
Biến hóa có nghĩa là cái Ta có khi chính là Nguyên Thần, mà lại là Cừu Thần, Tiết Thần, Kỵ Thần chớ không nhất thiết là Dụng Thần và chính vì như vậy nên gọi là Dịch Lý. Dịch Lý là cái lý quá nhiệm nhặt nhưng không phải là khó.
Đây, tôi xin ví dụ cho dễ hiểu về cái Ta không nhất thiết là Dụng Thần. Cái Ta hữu dụng ở giây phút nào đó là CHA của một đứa trẻ, thì lại là CON của một người cha, là ân nhân ban phúc cho kẻ khác thì lại là cừu nhân tước phúc của kẻ kia..…
Nếu các bạn không chấp nhận được lý lẽ trên thì nên theo ý nghĩa và hình vẽ dưới đây. Có lẽ tiền nhân sợ người đời thiếu vô tư và sẽ không hiểu hết ý nên đem nghĩa lý vào danh từ KIM, MỘC, THỦY, HỎA THỔ gán vào 5 Thần.
Thần thì biến hóa vô lường, còn KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ là từ chương, làm cho người học có ý thức hẹp lại nhưng dễ nhìn biết và dễ hiểu hơn.
Trước đã nói sinh khắc và Dụng Thần, Dụng Thần thì biến hóa vô lường như thu hẹp vào nghĩa KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ e rằng khó thấy được cơ vi nhiệm nhặt nên miễn cưỡng phác họa những hình ảnh trên đây làm phương tiện suy xét.
Nhìn vào hình số 1, lấy chữ MỘC ở trung ương làm nghĩa Dụng Thần thì ta sẽ tìm thấy Nguyên, Cừu, Kỵ và Tiết Thần.
Theo lý sinh như trên hình đã ghi thì MỘC có THỦY là Nguyên, KIM là Kỵ, THỔ là Cừu, HỎA là Tiết. Bây giờ, ta suy xét kế tiếp thì lại thấy MỘC là Nguyên Thần của HỎA, đồng thời MỘC lại là Kỵ Thần của THỔ, là Tiết Thần của THỦY..…
Sau khi đi qua các hình vẽ theo đường mũi tên chỉ thì hoàn toàn là sinh, nhưng ta nhìn lại từ phần thượng hay phần hạ hình thứ 5 rồi, 4, 3, 2, 1 sẽ thấy là khắc, đến lượt 5 hình dưới cũng vậy. Theo mũi tên chỉ nghĩa là khắc nhưng thuận chiều từ hình 1 rồi 2, 3, 4, 5 thì lại thấy là sinh, ở phần thượng hay phần hạ (trên hình vẽ).
Các hình phác họa trên đây là cốt ý để chỉ rõ Lý Dịch, bất cứ Thần nào cũng đều có thể là Dụng Thần, là một cái Ta cả. Lấy Ta ở giữa là Dụng Thần để suy luận ra các cái khác là Nguyên, Cừu, Kỵ, Tiết Thần. Nhưng xét theo các hình thì hình thứ nhất MỘC là một cái Ta ở giữa làm Dụng Thần, rồi lần lượt đến KIM, đến HỎA, đến THỦY, đến THỔ cũng là Dụng Thần, tùy lúc động dụng. Cho nên một cái Ta nhỏ bé là một nhân nguyên cơ ngẫu cho các cái Ta khác.
Một cái Ta con người, có sinh, có khắc đó là muốn nói lên nghĩa Âm Dương và rồi sinh là được sinh hay đi sinh cho kẻ khác cũng là nghĩa Âm Dương; đến nghĩa khắc thì đi khắc kẻ khác hay bị khắc cũng là nghĩa Âm Dương chớ không có gì lạ.
Lý Tính Âm Dương, Ngũ Hành diễn tả theo tính tình của con người, có lẽ đã làm cho một số ít người khó hội ý vì chưa rõ được lúc nào Ta là Nguyên, Dụng, Cừu, Kỵ hay Tiết Thần, cũng như chưa rõ được là sinh khắc, tức như chưa biết Ta là KIM, MỘC, THỦY, HỎA
hay
THỔ trong giây phút nào có được sinh hay bị khắc hoặc đi khắc hay đi sinh cho thiên hạ.
Vậy, trước khi đi sâu vào Lý sinh khắc, ta nên làu thông về Lý sinh khắc theo nghĩa KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ dưới đây:
Kim | khắc | Mộc | và | Kim | sinh | Thủy |
Mộc | ………… | Thổ | Mộc | ………… | Hỏa | |
Thủy | ………… | Hỏa | Thủy | ………… | Mộc | |
Hỏa | ………… | Kim | Hỏa | ………… | Thổ | |
Thổ | ………… | Thủy | Thổ | ………… | Kim |
Thế là mỗi Hành đều có sinh và có khắc cho ta một cảm nghĩ khái quát về Âm Dương. Như vậy, thì cái Ta trong luật Ngũ Hành biến hóa là một cái Ta muôn mặt, nào là Ta Nguyên, Cừu, Kỵ, Tiết hay Dụng Thần và hơn nữa là Tình. Ta chân thật, ta giả dối, ta ưa, ta ghét, ta phản bội, ta trung thành, ta chung cùng, ta riêng tư..…
Trong cái Ta muôn mặt ấy sẽ lần lượt trình bày không sót một mảy may. Đó là lấy Lý mà bày tỏ. Học giả không nên chất phác định lệ, không nên hiểu hẹp hòi, sơ mọn về con người, với tình người mà sẽ không thấy được sự quan trong thực tế cái Ta đứng trong trời đất cùng với muôn loài vạn vật vì nếu như thế thì có khác nào ta tự muốn diệt hại cái sâu kín trong Ta, chối bỏ Thiên Lý trong Ta.
Nếu không dồi mài rộng mở Thiên Lý vốn đã cùng ta thì chỉ còn hiểu sai biệt con người một cách tư lự, riêng rẽ, hẹp hòi. Như thế lại có thể gọi là Chân Lý được sao?
Thiết tưởng có thể nói mỗi người có một Ông Trời của mình theo trí thức của mỗi chúng ta chớ không nên gọi là Chân Lý. Vì khi nói đến Chân Lý thì lý đó phải có trong tất cả trời đất, quỉ thần, côn trùng, sâu bọ, cỏ cây, sắt đá, gió mây, nước lửa vô hình, hữu hình đều có lý đó, ở trong lý đó, như thế thì mới xứng danh là Chân Lý (Nhất Lý).
Theo hình đồ trên mà suy luận thì cái Ta Ngũ Hành ở trong vòng tròn giữa, Âm Dương hỗ tương biến hóa thì rìa ngoài là Bát Quái, như thế cho ta thấy được cái Ta trung tâm.
Xét nội vòng tròn ở giữa thì MỘC là Dụng Thần, THỔ là Cừu Thần, THỦY là Nguyên Thần, HỎA là Tiết Thần, KIM là Kỵ Thần.
Xét 4 vòng tròn bên ngoài thì thấy được KIM hoặc THỦY, hoặc HỎA, hoặc THỔ đều có thể là Dụng Thần cả, không nhất định cho một Hành nào là Dụng Thần. Bởi một cái Tasống động, cái Ta con người đều có thể là Nguyên, Cừu, Kỵ hoặc Tiết Thần, tùy theo sự động của Ta ở giây phút nào, đứng trong luật Âm Dương, Ngũ Hành biến hóa mà suy luận.
Nhưng muốn suy luận cho đúng thì phải nhận xét thật đúng cương vị hành động trong một hoàn cảnh, một khung cảnh của một sự việc vì cái Ta sống động là trong hệ ở luật Âm Dương, Ngũ Hành biến hóa và luật đó cũng là cái Ta sống động vậy.
Biết được một cái Ta con người là biết được tất cả các cái Ta sống động khác, không phải con người cũng đều như vậy. Tuy nhiên, làm sao biết được cái Ta con người một cách chính xác ở giây phút nào là Thần gì, ta chỉ còn có một cách là phải chọn và đặt ra tình người theo 05 tình nào gần gũi nhất, rồi đem 05 tình người đại khái ấy vào Đạo Ngũ Hành để làm giềng mối suy luận.
Kể từ Âm Dương, Ngũ Hành diễn ý vô tận qua các Thần, rồi lại thâu hẹp vào nghĩa KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ. Đến đây lại thâu hẹp chỉ nói vào tình người gần gũi là cốt ý để cho đại chúng hiểu dễ dàng và có thể tự kiểm soát, tự học ở chính mình, hầu có thể tránh được sự chạy đôn, chạy đáo, mượn áo của kẻ khác để khoác vào vì bị mê hoặc hay mê muội mà tin theo, hơn nữa khi mượn áo khoác vào, lớp áo ấy tả tơi lại phải đôn đáo đi mượn áo khác nữa sao?
Vậy, riêng mỗi chúng ta, tại sao lại chẳng tự có một áo nào vừa vặn cho tâm hồn ta, do chính công phu ta dệt và mặc lấy hỡi các bạn?
Theo cảm nghĩ của nhà Dịch Lý Học thời sức thông minh của thiên hạ không đồng bằng với nhau, nhưng cũng là một cái Ta sống động. Thiết tưởng ta hãy dùng, các bạn hãy dùng khí cụ duy nhất của mình là tai, mắt và thần trí mà suy nghiệm trong mọi lĩnh vực và nên dùng khí cụ ấy một cách siêng năng, cần mẫn và cẩn trọng (quân bình đừng quá độ) thời sẽ đến được huyền diệu, linh ứng và linh nghiệm chẳng sai vậy.
Tình người hạn hẹp trong 05 tình gần gũi nhất để ghép vào luật Ngũ Hành được đặt ra như sau:
1/- Ta: các cái gì ngang hàng như ta, đối với ta, ở giây phút nào đó, trong một sự việc gọi là tình Huynh Đệ.
2/- Giúp Ta: các cái gì bao bọc, che chở, cao thượng đối với ta, ở giây phút nào đó, trong một sự việc gọi là tình Phụ Mẫu.
3/- Hại Ta: các cái gì gây hại, ác ý, phiền muộn cho ta, ở giây phút nào đó, trong một sự việc gọi là tình Quan Quỷ.
4/- Ta giúp: các cái gì được ta dưỡng nuôi, che chở, bảo bọc, ở giây phút nào đó, trong một sự việc gọi là tình Tử Tôn.
5/- Ta hại: các cái gì ta khu xử được, thâu hoạch, thỏa lợi, phá hại được, ở giây phút nào đó, trong một sự việc gọi là tình Thê Tài.
Vậy, 05 tình được đặt ra là Phụ Mẫu, Tử tôn, Huynh Đệ, Thê Tài, Quan Quỷ. Muốn hiểu rõ được 05 tình của cái Ta con người đứng trong trời đất ấy một cách rộng rãi thì chúng ta hãy trả nó về nghĩa KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ tức là đem vào luật sinh khắc của Ngũ Hành thời ta sẽ thấy được tình người theo lý dĩ nhiên trong đó, với câu ca này:
1/- Sinh ra Ta ấy là cha mẹ của Ta.
2/- Ta sinh ra nó ấy là con cháu.
3/- Khắc hại Ta ấy là quan quỷ.
4/- Ta khắc hại nó ấy là vợ hay là tài lợi.
5/- Cùng hòa với Ta ấy là anh em.
Tiền nhân đã dựa vào Ngũ Hành là từ chương điển hình làm một nền tảng và luận lý lên trên đó hết sức sâu rộng, mà cũng hết sức nhiệm nhặt, cốt ý để cho học giả lấy đó làm nấc thang học tập, mà tiến đến hội lý, quán thông luật Tạo Hóa, luật Thiên Địa tuần hoàn. Ta không nên hiểu chết nghĩa KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ mà nên hiểu đó là Thần sinh khắc, biến hóa vô lường.
Tự ý thức được như vậy thì trong các bạn, trong mỗi cái Ta con người sâu kín, về sau sẽ sở đắc là Thần Hoạt Biến, tức là sẽ hiểu khắp muôn loài, chớ không phải chỉ có con người riêng rẽ, hẹp hòi như các học thuyết khác.
Nhưng muốn có được Thần Hoạt Biến trong cái Ta sâu kín, muốn hiểu khắp muôn loài thì phải tập nhìn biết, học biết và tập cách ý thức vạn loại vào Bát Quái.
Ý thức vạn loại vào Bát Quái thường phải căn cứ theo nghĩa của Bát Quái rồi phối hợp với Ngũ Hành của mỗi quẻ mà tuyệt vời nhất là Lý Tính. Ví dụ lấy nghĩa Khôn làm Âm.
-
Nếu suy xét đến độ cao thì nghĩa là vật chưa thành, khí chưa thành, Vũ Trụ chưa có.
-
Nếu bây giờ chúng ta đem nghĩa Âm đó tan vào vật đã thành: suy xét ở độ thấp trên phương diện khí thì sẽ có nghĩa là khí lạnh, khí mờ, trời tối âm u, các vật ở đất……
Khi các bạn tập ý thức vạn loại vào Bát Quái thì phải nhớ định Âm Dương trên vật loại trước đã rồi mới đem vật loại ấy so sánh trên Lý Tính của mỗi đơn Quái, tất nhiên sẽ biết biết được loại ấy thuộc về Quái nào (trong Bát Quái). Nhiều ngày như vậy kiến thức của ta, của các bạn sẽ mở rộng trên đường học về Bát Quái, là một điều tối cần trên đường tu học, dồi mài Dịch Lý và cũng nhờ đó mà Thần Hoạt Biến sẽ có trong Ta.
Trong khi học phải có tinh thần cầu tiến, phải thắc mắc, phải hỏi cho rõ điều gì mình còn mờ tối, không nên dễ dàng chấp nhận, mà phải luôn luôn sẵn sàng lớn tiếng chấp nhận ở hữu lý bằng không có thiện chí như vậy thì lần sau khi mình hỏi nữa ắt sẽ không được sự trả lời.
Những câu nhắn nhủ này cốt ý giúp cho các bạn bớt phần thất bại, bất cứ trên đường học vấn nào, vì đa số người đời sẽ không thỏa mãn cho sự tò mò của các bạn đâu, có khi người ta đành bỏ rơi các bạn, mặc dù người ta không muốn như thế.
Vậy bạn nào đã sẵn có tinh thần cầu tiến thì tôi tin chắc rằng bạn đó sẽ đạt được Dịch Lý. Trên bước đường nghiên cứu mà tôi được biết cần phải tập ý thức vạn loại bằng Bát Quái, thiết tưởng không gì bằng tập Mai Hoa Dịch Số của ông Thiệu Khang Tiết. Chúng tôi sẽ tạm mượn tập sách ấy làm nền tảng để các bạn nghiên cứu. Nhưng đạt được diệu lý hay không cũng còn tùy người học, có được tinh thần vô tư hay không, có suy lý được hay không mà thôi.
Bây giờ, trước khi nhìn biết các vật bằng Bát Quái, các bạn thử tập ý thức, hội ý cho được nghĩa lý sơ mọn của mỗi đơn Quái trước đã. Khi đã hiểu được ý rồi, các bạn tha hồ muốn tan biến vào muôn sự việc nào cũng được. Điều này, nếu các bạn thuộc nằm lòng càng tốt, bằng không thuộc được thì khó ý thức rõ ràng vạn loại trong trời đất vậy.
Đây là ý nghĩa sơ mọn của 8 đơn Quái:
KHÔN Thuận dã là mềm mỏng, thuận tòng, mềm dẻo, hòa theo lẽ, chịu lấy, tuân theo mà được lợi.
CẤN Chỉ dã là ngăn giữ, ngừng lại, thôi, ở, đậy lại, để dành, ngăn cấm, vừa đúng chỗ.
KHẢM Hãm dã là hãm vào ở trong, hiểm nguy, hố sâu, bắt buộc, xuyên sâu vào trong, đóng cửa lại, gập ghềnh, trắc trở, kiềm hãm hiểm.
TỐN Thuận dã là thuận theo ý trên, đồng ý, theo lên, theo xuống, theo tới, theo lui, có sự giấu diếm ở trong.
CHẤN Động dã là rung động, khởi lên, sợ hãi, phấn phát, nổ vang, chấn động.
LY Lệ dã là sáng sủa, tỏa ra, bám vào, phụ vào, trưng bày, phô trương ra ngoài.
ĐOÀI Duyệt dã là hiện đẹp, vui lòng, đẹp đẽ, ưa thích, khuyết mẻ, nói năng.
KIỀN Kiền dã là mạnh mẽ, mạnh tiến, cứng mạnh, khỏe mạnh, khô, lớn.
Ngoài ra, các bạn cũng cần phải biết thêm 05 hình dạng của Ngũ Hành, để rộng đường xét định các sự, các vật trên từng phương diện một (05 hình này có thể rất phù hợp với địa lý)