Muốn nói Dịch, trước phải thuộc Quái Nghĩa, do Quái Nghĩa của Dịch Tượng ấy mà suy lý; kế đó mới xem xét hào động là hào thứ mấy, rồi coi hào Dương động hóa ra Âm hay hào Âm động biến thành Dương. Thứ phải xét vị trí của hào là Âm cư Dương hay Dương cư Âm hoặc Âm cư Âm hay Dương cư Dương (hào đang động), rồi xét Hưu, Tù, Vượng, Tướng đều là phụ.

  1. Quái Nghĩa là nhịp cầu của Hậu Thiên để hội lý với Tiên Thiên.
  2. Tiên Thiên là lý ẩn trong Quái Nghĩa Hậu Thiên.
  3. Động hào thứ mấy là cớ sự chính xảy ra đương thời, nhỏ to, xa gần, thứ bậc.
  4. Dương động hóa ra Âm là việc ngày càng giảm sức theo Quái Nghĩa.
  5. Âm động biến thành Dương là việc ngày càng tăng sức theo Quái Nghĩa.
  6. Dương cư Âm hoặc Âm cư Dương mà động là vấn đề có lỗi, không lỗi, có hối, không hối.
  7. Hưu, Tù, Vượng, Tướng là để biết lực lượng đã qua, hiện tại, chưa đến, mạnh yếu, ít nhiều.

Người muốn nói Dịch mà quên các điều tối cần này thì suốt đời chẳng nói được Dịch.

Nói về quẻ có vượng khí

Chấn, Tốn thuộc Mộc vượng mùa Xuân
Ly Hỏa Hạ
Kiền, Đoài Kim Thu
Khảm Thủy Đông
Khôn, Cấn Thổ Tháng Thìn, Tuất, Sửu, Mùi

QUÁI LÝ

Muốn đến được Quái Lý đều nhờ ở Quái Nghĩa. Quái Nghĩa biết thích nghi qua trên mọi hoàn cảnh, mọi vật, mọi việc thời Quái Nghĩa chỉ còn là Lý. Không có bóng dáng nhất định, không tên tuổi mà mọi tên vậy.

Muốn nói được Quái Lý liên quan tam Quái, trước phải tập nói Chính Quái, khi nói được Chính Quái tinh vi rồi hãy tập nói Chính và Biến Quái.

Sau khi đã nhuần nhã về Chính và Biến Quái rồi thì tam Quái liên quan chẳng khó gì.

yin-yang-pudding-4

LỤC HÀO LÝ SỰ

Tiền nhân sợ đời sau khó lĩnh hội về ý nghĩa của Ông Châu Công Đán luận bàn trên mỗi hào của mỗi Quái nên có nói thêm các điều dưới đây, tuy là không hoàn hảo nhưng cũng sáng tỏ được vấn đề cho mỗi phạm vi khác nhau trong 6 hào :

Hào sơ :     kỳ sơ nan tri      (khó biết)
Hào lục :     kỳ thượng dị tri  (dễ biết)
Hào nhị :     nhị đa dự           (nhiều khen)
Hào tứ :      tứ đa cụ             (nhiều lo)
Hào tam :   tam đa hung      (nhiều hung)
Hào ngũ :   ngũ đa công       (nhiều công)

Ví dụ:

Nếu nói việc cho một Quốc gia, xét từ trên trời xuống đến dưới đất, người xưa đã bàn như sau:

Hào sơ :    là vạn vật, sông ngòi, ruộng lúa, cỏ cây, hoa màu, trẻ con, ếch nhái.
Hào nhị :   là nhân dân, nhà cửa, trên đất
Hào tam :  là trưởng giả
Hào tứ :     là Tể tướng, công khanh
Hào ngũ :  là Vua Chúa
Hào lục :   là trời, mây, gió, hiện tượng

Ví dụ:

Nếu xét việc nhỏ trong gia đình, một gia thế, thì có ý nghĩa như sau :

Hào sơ :    là trạch, mộ tỉnh, tiểu nhị, kê (gà)
Hào nhị :    là trạch nhân, trù táo, thê thiếp, khuyển (chó)
Hào tam :   là trung môn, sàn tịch, huynh đệ, trư (heo)
Hào tứ :      là đại môn, môn hộ, mẫu đường, dương (dê)
Hào ngũ :   là đạo lộ, thủy mãn, phụ đường, ngưu (bò)
Hào lục :    là tường bích, đống lương, tổ tông, mã (ngựa)

Người ta nói mồ mả ông bà động, hoặc tất cả các việc nói cho bạn rầu lo hay vui mừng thường là căn cứ vào những hào động. Nay tôi ghi trên đó để các bạn khỏi bị người lòe và bịp mị..…

Vậy muốn nói về hào động từ hào lục đến hào sơ cho đúng tất cả đều phải theo Quái Nghĩa rồi lấy Lý mà nói thì mới chính xác, bằng chẳng theo Quái Lý thì sẽ xảy ra câu chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược mà thôi.